ROE, ROA, ROS… là các chỉ số dùng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một doanh nghiệp. Trong đó, ROE được dùng để đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng vốn và giúp bạn nhận diện lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp so với những đối thủ khác trong ngành. Vậy cụ thể, chỉ số ROE là gì? Cách tính ROE như thế nào? Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt? … Hãy cùng Tradervn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
ROE, ROA, ROS… là các chỉ số dùng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một doanh nghiệp. Trong đó, ROE được dùng để đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng vốn và giúp bạn nhận diện lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp so với những đối thủ khác trong ngành. Vậy cụ thể, chỉ số ROE là gì? Cách tính ROE như thế nào? Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt? … Hãy cùng Tradervn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Return On Equity – ROE là gì?
Chỉ số ROE là viết tắt của từ Return On Equity trong tiếng Anh, có nhiều tên gọi như “Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu”, “Lợi nhuận trên vốn”. ROE được hiểu là chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp hay đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của chủ sở hữu trong kỳ.
ROE là chỉ số rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, vì thông qua chỉ số ROE nhà đầu tư sẽ đánh giá được doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền của họ để tạo ra lợi nhuận hiệu quả như thế nào. Đồng thời chỉ số ROE cũng được dùng để so sánh “sức khỏe” của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp trong cùng ngành.
Công thức tính ROE
ROE được tính theo công thức sau:
Trong đó:
- Lợi nhuận sau thuế phản ánh tổng lợi nhuận thuần sau thuế từ các hoạt động của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo.
- Lợi nhuận sau thuế được thể hiện ở Mã 60 tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tại Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ tài chính và Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 08 năm 2016 của Bộ tài chính.
- Vốn chủ sở hữu phản ánh các khoản vốn kinh doanh thuộc sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn của doanh nghiệp, như: Vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác của chủ chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cổ phiếu quỹ, chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Vốn chủ sở hữu được thể hiện ở Mã 400 tại Bảng cân đối kế toán tại Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ tài chính và Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26 tháng 08 năm 2016 của Bộ tài chính.
Ý nghĩa của chỉ số ROE
Là chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, ROE mang ý nghĩa quan trọng, cụ thể như sau:
– Chỉ số ROE cho thấy mức hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, chỉ số ROE càng cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu càng hiệu quả. ROE cao duy trì trong nhiều năm liên tiếp cũng chứng tỏ doanh nghiệp phát triển bền vững, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
– Chỉ số ROE là công cụ giúp lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngân hàng có bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp, là cơ sở để họ đưa ra các quyết định.
- Nếu ROE tốt cách lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì chiến lược kinh doanh hiện tại.
- Nếu chỉ số này thấp, chứng tỏ chiến lược kinh doanh hiện tại đang không hiệu quả, cần phải điều chỉnh gấp.
- Chỉ số này thường được các nhà đầu tư sử dụng để so sánh các cổ phiếu trong cùng ngành. Từ đó đưa ra quyết định có nên mua cổ phiếu đó hay không.
- Ngân hàng dựa vào chỉ số ROE để đưa ra quyết định có nên cho doanh nghiệp vay tiền hay không.
Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?
Chỉ số ROE càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu càng hiệu quả và ngược lại. Khi ROE mang giá trị dương tức là doanh nghiệp làm ăn có lãi, ngược lại nếu ROE mang giá trị âm chứng tỏ doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, lợi nhuận sau thuế nhỏ hơn 0.
Hiện nay chưa có khẳng định chung về giá trị cụ thể của ROE để được đánh giá là tốt. Tuy nhiên theo quan điểm của một số nhà đầu tư như Warren Buffett hay Wiliam O’Neil thì doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi ROE >= 15% và giá trị này được duy trì ít nhất 3 năm liên tiếp.
Ngoài ra, để nhận định giá trị ROE của doanh nghiệp có tốt hay không thì cũng cần xem xét thêm nhiều yếu tố như: so sánh với lãi suất ngân hàng và các doanh nghiệp cùng ngành.
Ví dụ trong cùng ngành, doanh nghiệp có chỉ số ROE nhỏ hơn 15% nhưng lại lớn hơn các doanh nghiệp khác thì cũng có thể đánh giá chỉ số ROE của doanh nghiệp là tốt. Bên cạnh đó, ngành nghề khác nhau thì có xu hướng đầu tư vốn chủ sở hữu khác nhau, từ đó có những tiêu chuẩn về ROE cũng khác nhau.
Tóm lại, việc xác định chỉ số ROE có tốt hay không cần phải được đánh giá ở nhiều khía cạnh để đưa ra nhận định đúng đắn.
Lợi ích của việc tính toán ROE
ROE là một công cụ quan trọng, tùy thuộc vào mục tiêu sử dụng của các đối tượng khác nhau mà việc tính toán ROE mang lại các lợi ích khác nhau, cụ thể:
- Đối với doanh nghiệp
Chỉ số ROE là một công cụ để các nhà lãnh đạo có cái nhìn tổng quát về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hiệu quả trong việc sử dụng vốn chủ sở hữu. Từ đó xác định được nguyên nhân, tác động dẫn tới sự hiệu quả/ không hiệu quả đó, để đưa ra những biện pháp điều chỉnh kịp thời.
- Đối với nhà đầu tư
Nhà đầu tư dựa vào chỉ số ROE để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay không đầu tư. Các nhà đầu tư thường lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có chỉ số ROE cao, vì họ nhận định được doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích.
- Đối với ngân hàng
Ngân hàng dựa vào chỉ số ROE để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay. Thông thường ngân hàng thường cho những doanh nghiệp có chỉ số ROE tốt vay, vì họ tin rằng doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả và trả được nợ trong tương lai, ngược lại những doanh nghiệp có chỉ số ROE thấp thì ngân hàng sẽ e ngại khi cho vay vì sợ nợ xấu.
Một số hạn chế của chỉ số ROE
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng chỉ số ROE vẫn có những hạn chế nhất định, cho nên người sử dụng cần phải nắm rõ để vận dụng một cách phù hợp. Một số hạn chế của chỉ số ROE như sau:
- Chỉ số ROE biến động không ổn định khi lợi nhuận thay đổi thất thường.
Chỉ số ROE được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu, vì vậy trong trường hợp lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lên xuống thất thường thì dẫn tới chỉ số này cũng không ổn định. Khi chỉ số này biến động nhiều sẽ gây khó khăn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc đánh giá tình hình hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó khó đưa ra các chính sách kinh doanh hay quyết định đầu tư.
- Chỉ số ROE có thể bị can thiệp
Một số doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường hay vốn thu hút vốn đầu tư, giúp hoạt động vay vốn ngân hàng diễn ra thuận lợi thường sử dụng các thủ thuật kế toán để can thiệp vào chỉ số. Điều này làm cho các nhà đầu tư, ngân hàng không có cái nhìn chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định sai lầm.
- Chỉ số ROE bị tác động bởi cổ phiếu quỹ
Việc mua cổ phiếu quỹ cũng sẽ tác động đến chỉ số ROE. Do hành động này làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, từ đó giảm vốn chủ sở hữu. Khi lợi nhuận sau thuế không đổi, vốn chủ sở hữu lại giảm thì ROE sẽ tăng.
Để tránh các hạn chế trên của chỉ số ROE, cần kết hợp thêm các chỉ số và yếu tố khác để đánh giá.
Kết luận
Bài viết trên đã đi sâu phân tích khái niệm ROE là gì, công thức tính ROE, ý nghĩa và các nhận định giá trị ROE như thế nào là tốt cũng như lợi ích và hạn chế của ROE. Hi vọng, những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về ROE. Từ đó vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với mục tiêu của mình.