Cách giao dịch với mô hình cái cốc và tay cầm (Cup and Handle)

Mô hình cái cốc và tay cầm (Cup and Handle) là mô hình khá lạ lẫm đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường forex. Nếu bạn muốn trở thành trader giao dịch theo phong cách price action thì đây chính là mô hình giá mà bạn không nên bỏ qua. Trong bài viết này, Tradervn sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin chi tiết về mô hình cốc tay cầm. Mời các bạn cùng theo dõi!

Mô hình cái cốc và tay cầm (Cup and Handle) là mô hình khá lạ lẫm đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường forex. Nếu bạn muốn trở thành trader giao dịch theo phong cách price action thì đây chính là mô hình giá mà bạn không nên bỏ qua. Trong bài viết này, Tradervn sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin chi tiết về mô hình cốc tay cầm. Mời các bạn cùng theo dõi!

Mô hình cái cốc và tay cầm là gì?

Mô hình cái cốc và tay cầm hay tên tiếng anh là Cup and Handle Pattern, được tìm ra bởi nhà đầu tư huyền thoại nước Mỹ- William J.O'Neil vào năm 1988. Ý nghĩa của tên gọi cốc và tay cầm đơn giản vì mô hình này có hình dạng giống như chiếc cốc có tay cầm.

Trong thị trường tài chính, các mô hình giá khá đa dạng do đó đặt tên theo đặc điểm hình dáng mô hình là cách tốt nhất để phân biệt chúng. Theo lý thuyết, mô hình này thường xuất hiện sau một xu hướng tăng, là tín hiệu dự báo giá sẽ tiếp diễn xu hướng cũ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó cũng được hình thành ở cuối của một xu hướng giảm và là dấu hiệu của sự  đảo chiều. 

Các thành phần của mô hình cup and handle 

Nhìn vào hình minh họa, các bạn cũng có thể thấy rõ mô hình Cup and Handle gồm có hai phần, phần cốc có dạng hình vòng cung hoặc hình chữ U, thường được tạo thành trong khoảng thời gian 6 tháng; hai miệng cốc có thể bằng nhau hoặc không. Thứ hai là phần tay cầm, thời gian hình thành ngắn hơn, thường là vài tuần. Cụ thể như sau:

1. Phần cốc (Cup)

  • Được hình thành sau một xu hướng tăng tối thiểu là 30%. Giai đoạn này có thể được xem là khởi đầu hoàn hảo cho sự bứt phá vọt lên ngay sau khi tay cầm được xác nhận hoàn chỉnh. 
  • Ban đầu thị trường đang ở trong xu hướng tăng rồi bắt đầu giảm dần tạo thành phần thân cốc bên trái. 
  • Một thời gian sau, giá di chuyển đến đáy cốc và bắt đầu điều chỉnh đi lên để hoàn thiện nốt phần thân bên phải của chiếc cốc.

Theo “cha đẻ” của mô hình này, William J.O'Neil cho biết thời gian để thân cốc được hoàn chỉnh khoảng từ 3 – 6 tháng. Hơn nữa, độ cao từ miệng cốc đến đáy cốc thường là 12 – 15 %, hoặc có thể lên tới 33% so với mức giá ở miệng cốc.

Với mô hình này, khi nối 2 đỉnh cốc với nhau ta sẽ được đường kháng cự. Như đã đề cập ở trên, 2 đỉnh cốc không nhất thiết phải bằng nhau, thường là đỉnh trái sẽ thấp hơn; do đó đường kháng cự có thể hơi chếch lên trên 1 chút.

2. Phần tay cầm (Handle)

  • Sau khi phần “Cup” được hoàn chỉnh, thị trường sẽ có một đợt giảm giá nhẹ với độ sâu phổ biến là bằng ⅓ chiều cao của cốc. Cần lưu ý rằng, độ sâu này không được dài quá ½ độ sâu của cốc. 
  • Sau khoảng tích lũy từ 1 – 4 tuần, giá điều chỉnh đi lên tạo thành hình tay cầm hoàn chỉnh. Sau đó nếu giá tiếp tục tăng để break out ra khỏi tay cầm thì đây là thời điểm mô hình cốc và tay cầm được xác nhận.

Đặc điểm nhận dạng mô hình cốc tay cầm

Là mô hình giá ít xuất hiện nhưng mỗi khi xuất hiện có thể mang lại khoản lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư. Do đó việc phát hiện mô hình này càng sớm sẽ càng có lợi cho các nhà đầu tư. Mô hình cốc tay cầm có hình dạng khác biệt so với các mô hình khác nên việc nhận dạng cũng khá đơn giản. 

Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật cần lưu ý:

  • Thứ nhất là mô hình có hình dạng như chiếc cốc và tay cầm. Trong một số trường hợp, phần tay cầm có thể không được hình thành do giá tăng lên luôn chứ không điều chỉnh giảm nhẹ nữa. Tuy vẫn được coi là dạng mô hình cốc – tay cầm nhưng nó thường có tỷ lệ thành công rất thấp.
  • Thứ hai, mô hình thường xuất hiện ở cuối của một xu hướng tăng, tuy nhiên vị trí hình thành mô hình ở đâu cũng không quá quan trọng.
  • Tiếp theo, đáy cốc thường có hình vòm cung giống chữ U, hình dạng này sẽ cho độ tin cậy cao hơn hình chữ V.
  • Cuối cùng, độ sâu của tay cầm không được quá 50% độ sâu của thân cốc.

Thực tế, mô hình bạn gặp trên đồ thị khi giao dịch sẽ xấu hơn nhiều và khá khó nhận ra so với mô hình trong lý thuyết. Do đó, bạn cần cẩn thận quan sát và phân tích kỹ càng để đảm bảo nhận dạng mô hình một cách chính xác.

Cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm

Phương pháp giao dịch với mô hình cốc tay cầm được đánh giá là khá đơn giản bởi bạn chỉ cần xác định chuẩn thời điểm vào lệnh buy là đã giải quyết được 80% vấn đề. 

Cụ thể, để vào một lệnh mua, bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau đây:

  • Cách 1: Vào lệnh tại điểm đáy của phần tay cầm, đây là cách giao dịch phổ biến với mô hình cốc tay cầm. Vị trí lý tưởng để cài lệnh buy trong trường hợp này là điểm cách đỉnh cốc một đoạn bằng ⅓ chiều cao mô hình.

  • Cách 2: Vào lệnh ngay khi giá breakout ra khỏi vùng tay cầm. Thời điểm này giá sẽ tăng lên vô cùng mạnh nên bạn có thể không cần đặt chốt lời (take profit). Phương pháp này được cho là khá an toàn và đem lại mức sinh lời ổn cho các trader.

Tiếp theo, bạn đặt stop loss tại vị trí phía dưới đáy của tay cầm. Tuy nhiên đây là theo lý thuyết, cắt lỗ như vậy thì khả năng rủi ro sẽ cao hơn. Do đó, theo kinh nghiệm của các nhà đầu tư lâu năm, bạn nên đặt stop loss tại mức giá đóng cửa của cây nến có volume lớn nhất.

Ngoài ra, các trader nên kết hợp mô hình cup and handle với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để đưa ra nhận định chính xác hơn.

Kết luận

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về mô hình cup and handle, hi vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ ý nghĩa và ứng dụng quan trọng của mô hình cái cốc và tay cầm trong giao dịch forex.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa, mô hình trong giao dịch thực tế không bao giờ giống lý thuyết 100%. Do đó, ngoài việc nắm rõ kiến thức cơ bản, các bạn cần học hỏi kinh nghiệm của các trader chuyên nghiệp và cọ xát thường xuyên hơn với thị trường bằng cách giao dịch thử với tài khoản demo. Chúc bạn thành công!